Thôn Quế Sơn - xã Tân Ước nằm ở phía nam huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là thành phố Hà Nội). Đây là nơi có truyền thống cách mạng anh dũng, kiên cường đã đi vào lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nơi đây đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa quân và dân ta với kẻ thù. Với tinh thần đầu tranh quả cảm của quân và dân ta đã làm nên một "Quế Sơn oai hùng" mãi đi vào lịch sử mà cho đến nay nhiều nhân chứng sống vẫn không khỏi bồi hồi xúc động khi kể về những ngày chiến đấu kiên cường trên mảnh đất này.
Với vị trí nằm phía Tây Nam và "áo giáp" của Thủ đô Hà Nội, Thanh Oai có vai trò quan trọng trong kháng chiến bảo vệ Thủ đô, đây cũng là nơi thực dân Pháp tiến hành nhiều đợt càn quét đánh chiếm. Sau thất bại trong chiến dịch Hòa Bình cuối tháng 2/1952, thực dân Pháp tập trung lực lượng để bình định vùng địch hậu, Hà Đông, trong đó có khu du kích Liên Nam, tăng cường, bổ sung lực lượng quân chiếm đóng ở các bốt Canh Hoạch, Kim Bài, Mai Lĩnh, tìm mọi cách nắm và củng cố bộ máy ngụy quyền, dùng bộ máy này làm công cụ đàn áp, lùng sục, triệt phá cơ sở của ta. Đặc biệt, địch âm mưu sẽ càn quét lớn tại 4 xã là Tam Hưng, Đỗ Động, Văn Thùy, Tân Ước để lập "khu trắng". Lúc này xã Tân Ước nằm trong khu du kích Liên Nam, đây là khu được đánh giá là có cơ sở Đảng, các đoàn thể quần chúng, bộ đội địa phương và dân quân du kích có chất lượng, cán bộ, đảng viên dày dạn kinh nghiệm đầu tranh. Nhưng ở đây, thế của địch rất mạnh, vì vậy Tỉnh ủy đã xác định phương châm đấu tranh cho khu du kích Liên Nam và nhân dân Tân Ước là: Phát triển vũ trang tranh đấu song "tránh rầm rộ bộc lộ lực lượng".
Tháng 5/1952, thực dân Pháp điều một binh đoàn cơ động về Liên Nam kết hợp với quân chiếm đóng có máy bay và phi pháo yểm trợ mở cuộc căn quét lớn vào khu du kích. Khi phát hiện có cán bộ Liên Nam đang hoạt động tại thôn Quê Sơn, chúng dùng máy bay chiếu đầu bỏ bom xuống khu vực Công Đình. Sau đó, chúng cho quân vào xóm làng càn quét, phả nhà cửa, đồ đạc và đốt cháy đình làng Quế Sơn. Trong nửa tháng càn quét chúng gây ra nhiều tội ác với nhân dân, nhưng không triệt phá được khu du kích, ngược lại chúng bị tổn thất nặng nề.
Không dừng lại ở đó, Đông Xuân 1952-1953, thực dân Pháp ráo riết bắt nhân dân đi phu đắp con đường Vác - Quế Sơn để chuẩn bị phục vụ cho việc hành quân càn quét đánh vào khu du kích Liên Nam mà mục tiêu đầu tiên là Tân Ước. Ngày 1/4 đến ngày 2/4/1953 thực dân Pháp cho 2 tiểu đoàn bộ binh đánh thăm dò vào Tân Ước. Nhưng du kích xã đã phối hợp với bộ đội C2 của tỉnh đánh trả khiến chúng không thể vào làng được. Phát hiện có bộ đội chủ lực của tỉnh đóng ở Quế Sơn, ngày 3/4/1953 chúng dùng máy bay “bà già" trinh sát và chỉ đường cho bộ binh tiến vào làng Quế Sơn bằng nhiều mũi tiến công. Trong đó có 2 mũi trực tiếp vào Tân Ước là: mũi thứ nhất, địch từ Hà Đông. Vân Đình, Ba Thả có xe tăng yểm trợ tiến vào và hợp quân tập kết tại Vác, rồi từ Vác tiến vào làng An Khoái (xã Dân Hòa) và chia làm 3 bộ phận: một bộ phận gồm 482 lính Âu Phi chốt tại An Khoái, một bộ phận tiền vào Tri Lễ, một bộ phận tiến lên thôn Động Giã (Đỗ Động); mũi thứ hai, một đại đội ở trại tập trung Đồng Quan (Phú Xuyên) tiến vào chiếm làng Từ Châu (Liên Châu) và tiến về làng Ước Lễ.
Bức phù điêu kỷ niệm chiến thắng ở Quế Sơn, Tân Ước (Ảnh: Sưu tầm)
Tuy nhiên, ngay khi tiến vào các thôn chúng đã gặp phải sự kháng cự của lực lượng dân quân du kích. Do đã có sự chuẩn bị trước, du kích và nhân dân Tân Ước đã phối hợp cùng bộ đội C1, C2 của tỉnh bố trí trận địa phục kích tại Quế Sơn. Nhiều địa điểm ở đầu làng được thiết kế để đặt súng máy, súng liên thanh, hầu hết là vũ khí thu được của địch; nhiều bờ ao, lũy tre trở thành những chiến hào vững chắc sẵn sàng chờ đón địch. Ngày 4/4/1953, hai đại đội địch ở Vác vào An Khoái, một đại đội ở Tri Lễ tiền ra Quế Sơn. Chúng gặp nhau tại Quế Sơn, đã lọt vào trận địa phục kích của ta, ta nổ súng đại liên chia cắt địch làm đôi, Cùng lúc đó, hai khẩu Mooc - chi - e của ta bắn vào sở chỉ huy của địch đóng ở Trì Lễ (Tân Ước). Bộ đội xung kích xung phong tiêu diệt 1 trung đội địch, bắt sống 3 tên, thu 1 súng Tuyn. Một bộ phận địch rút chạy về Tiên Lữ (Dân Hòa) và gọi quân tiếp viện.
Tiếp đó, địch huy động máy bay và pháo 105 và 75 ly ở Tô, Vác, Đồng Quan, Kim Bài bắn liên tiếp và dữ dội vào trận địa ta. 13 giờ chiều ngày 4/4/1953, địch tiếp viện đến Quế Sơn bằng ba mũi: 109 lính Âu - Phi tử Vác tiến vào; 40 xe chở quân ở Hà Đông theo đường 71 chở theo 1 pháo 105 ly và 106 quân Âu Phi cùng 9 xe tăng yểm trợ chạy thẳng đồng xuống làng Tri Lễ, một đại đội ở Động Giã, Cự Thần tiến xuống tiếp viện, các toán quân này đều tiến xuống quây lấy làng An Khoải, Quế Sơn và nổ súng. Nhờ pháo binh bắn liên hồi và 2 máy bay ném bom vào An Khoái, địch xung phong ồ ạt nhiều đợt, dù bị chết rất nhiều nhưng đến 16 giờ cùng ngày, địch vào được Quế Sơn. Tại đây, một cuộc chiến đấu ác liệt đã diễn ra ngay trong làng Quế Sơn, bộ đội và du kích chiến đấu rất anh dũng trong từng ngôi nhà, từng bờ ao, diệt được nhiều tên địch. Cho đến 17 giờ ngày 4/4/1953 thì địch rút hết.
Qua 3 ngày chiến đấu, chống cản ròng rã và vô cùng ác liệt, bộ đội và du kích ta đã phải chịu đựng hàng chục tấn bom Napan, bom phá và phi pháo của địch để giữ vững trận địa, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của chúng. Kết quả trận chống cân ở Quế Sơn ta đã tiêu diệt trên 300 tên lính Âu Phi, trong đó có 2 tên Quan hai, 3 tên Quan ba Pháp và rất nhiều tên khác bị thương. Số bị thương chúng phải dùng 10 xe Hồng thập tự và bắt thêm nhiều xe hàng để vận chuyển về Hà Đông.
Trận chống càn ở Quế Sơn có tiếng vang lớn, chỉ với một đại đội bộ đội địa phương và du kích đã phối hợp chặt chẽ, dựa vào địa hình làng kháng chiến và tinh thần dũng cảm, kiên cường đã đánh thắng lực lượng quân Pháp cơ động, tinh nhuệ, trang bị hiện đại và đông gắp chục lần, khiến bọn binh lính địch trong các bốt và ngụy quyền trong các xã hoang mang, dao động, nhiều tên bỏ đi 3-4 ngày không dám về. Để biểu dương tinh thần chiến đấu của quân và dân Tân Ước, Mặt trận Liên Việt đã tặng 4 chữ "Quế Sơn oai hùng" nhằm ghi nhận sự hi sinh anh dũng và tinh thần quả cảm của con người nơi đây. Đồng thời qua đó khích lệ tinh thần của nhân dân đứng lên chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược.
Lễ hội làng Ước Lễ, xã Tân Ước (Ảnh: Sưu tầm)
Về Quế Sơn hôm nay, chiến tranh đã qua đi nhưng những ký ức hào hùng về một thời đầu tranh vẫn còn được truyền mãi đến các thế hệ trẻ. Phát huy truyền thống cách mạng cán bộ và nhân dân Quế Sơn đã và đang ra sức thi đua lập thành tích xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh. Phấn đấu thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân để xứng đáng với các thế hệ cha anh đã ngã xuống trên mảnh đất này, làm nên một "Quế Sơn oai hùng" mãi đi vào lịch sử./.
Ban Tuyên giáo Huyện ủy