ĐÌNH LÀNG TRI LỄ - NƠI LƯU GIỮ GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT

24/05/2024 08:56

Đình làng thôn Tri Lễ nằm ở phía tây của làng trên một mảnh đất cao ráo ở giữa làng, gần ngôi chùa và cây cầu Tri Lễ bắc qua con kênh Hoà Bình. Trong hậu cung đình thờ Cao Sơn đại vương, theo truyền thuyết là một trong ba vị thần núi Tản Viên có công giúp Đức vua Hùng Vương thứ 18 ngăn quân Thục xâm lược nước Văn Lang. Vị thành hoàng thứ hai là Linh Lang Hộ quốc đại vương, một trong 100 người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, ngài từng được giao cho trấn giữ vùng này.

Đình Tri Lễ nằm ven con kênh và cạnh chợ làng. Cổng đình xây kiểu nghi môn tứ trụ, nhìn ra một cái giếng tròn to ở phía đông nam. Sau cổng là sân, bên tay trái có nhà hữu mạc 3 gian, bên phải là bức tường bao giáp với đường làng. Toà đại bái gồm 5 gian 2 chái, 4 mái đao cong cong lợp ngói ri. Bờ nóc đắp bờ đinh, hai đầu bờ nóc gắn tượng 2 con kìm. Chỗ gấp khúc bờ dải đắp hình con nghê, đầu guột gắn tượng con rồng nước.

Trong đại bái có 4 bộ vì chính và 2 bộ vì phụ dựa trên 6 hàng chân cột. Hai bộ vì gian giữa được làm theo kiểu “thượng chồng rường, giá chiêng, hạ cốn, bẩy hiên”. Hai mặt cốn chạm khắc các hình tứ linh, tứ quý và một số tích như: vinh quy bái tổ, Lã Vọng câu cá... Hai bộ vì gian bên theo kiểu “thượng ván mê chạm hổ phù, hạ chồng rường, kẻ suốt”.

Toà hậu cung xây kiểu nhà dọc gồm 3 gian bít đốc, nối với gian giữa toà đại bái thành hình “chữ Đinh”. Hai bộ vì gian giữa được làm theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ xà nách, kẻ”. Bộ vì hậu được làm theo kiểu “thượng giá chiêng chồng rường, hạ rường nách”. Bộ vì áp toà đại bái được làm theo kiểu “thượng ván mê chạm hổ phù, hạ cốn chạm rồng mây nhòa lá cách điệu”.

Trong toà đại bái bảo lưu một số chi tiết chạm khắc gỗ rất có giá trị của nghệ thuật thế kỷ XVII và XVIII. Dáng vẻ kiến trúc mang dấu ấn của thời Nguyễn. Ngoài 29 đạo sắc phong thần, đình còn giữ được 6 bức hoành phi cổ, 2 cỗ long ngai bài vị tạo tác vào cuối thế kỷ XIX, 1 kiệu bát cống trang trí hoa văn hình rồng in phong cách đầu thế kỷ XVIII, 1 bức chạm kiểu cuốn thư rất đẹp, diềm trên chạm lưỡng long, diềm dưới chạm hổ phù, 2 diềm bên chạm phượng.

Năm 2006 đình làng Tri Lễ đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Lễ hội đình làng được nhân dân sở tại tổ chức hằng năm từ ngày 12-3 và 12/8 âm lịch với các cuộc tế lễ và rước kiệu. Nhân dịp này còn diễn ra các trò chơi truyền thống và thi đấu thể thao, văn nghệ dân gian.